Sau khi thi tốt nghiệp phổ thông, tôi dành toàn thời gian để khởi động, vượt chướng ngại vật, tăng tốc và về đích với khối C. Ai cũng bảo tôi điên. Khi viết lại những dòng nhật ký này, tôi nhớ những ngày đó vô cùng.
Mẹ rất tin tưởng và khen tôi chăm chỉ. Vì thế, tôi luôn cố gắng để mẹ vui lòng. Bằng chứng là tôi nỗ lực dậy sớm lúc 5h để học bài. Uống một cốc nước lọc, rồi trên nền nhạc Baroque (một loại nhạc hữu dụng cho việc lao động trí óc), tôi học bài. Buổi sáng luôn là khoảng thời gian lý tưởng để học văn, sử, địa.
Ăn sáng, bữa quan trọng nhất, mẹ luôn chuẩn bị chu đáo. Mẹ bảo không học thay tôi được nhưng mẹ sẽ giúp tôi theo cách riêng. “Ăn sáng xong, uống một ly nước cam tươi nhé”, mẹ nói. Mùa thi là mùa lên ngôi của cá, trứng, canh bí đỏ đậu hầm xương… Tôi còn nhớ có một cậu trong truyện Nguyễn Nhật Ánh, nhờ ăn canh bí đỏ mỗi ngày mẹ nấu, mà cuối cùng đã thi đậu trường chọn. Và tôi biết, ăn uống là chuyện rất quan trọng để hậu thuẫn cho cơ thể, trí tuệ.
Theo tôi, không phải lúc nào cũng ôm sách mới có thể học xong bởi làm gì cũng phải có phương pháp. Và phương pháp của tôi là: khi học, bỏ qua tất cả những “vật thể lạ” có thể gây phân tâm như bánh kẹo, TV, đĩa nhạc… để tập trung duy nhất cho việc học.Thường, một ngày tôi ngủ gần 8 giờ. Việc này giúp tôi đủ tỉnh táo để học nhanh, hiểu rõ và nhớ lâu hơn. Hơn 22h30, tôi đi ngủ. Nhưng trước đó, tôi nhẩm lại toàn bộ bài vở đã học trong ngày. Nếu chỗ nào nhớ không ra, tôi bật dậy lấy sách đọc lại ngay. Lúc nhẩm xong cũng là lúc mệt phờ, ngủ rất ngon. Bộ não của chúng ta siêu kỳ diệu nhé! Nó có khả năng tự sắp xếp và hệ thống mọi thứ nên bạn cứ yên tâm nhẩm bài và ngủ ngon. Đến lúc thi, mọi thứ đã học đều có sẵn trong đầu.
Tôi cũng không cố ngồi ì một chỗ để học thuộc lòng. Cứ tầm 45 phút (bằng giờ một tiết học trên trường đấy bạn), tôi lại đứng dậy cho thoải mái đầu óc, đi bộ lòng vòng và tự sắp xếp những gì đã học. Lúc giải lao, tôi thường nhìn vào màu xanh lá cây, màu xanh giúp thư giãn tốt và làm mắt quên hết mệt mỏi.
Học theo phương pháp cộng dồn và đảo ngược đặc biệt hiệu quả cho dân khối C vì những kiến thức mình ôn đều đã được học qua. Do đó, bạn có thể học ngược từ cuối sách, hoặc học phần bạn thấy thú vị trước. Còn học cộng dồn tức là hôm nay học bài mới, phải đọc lướt lướt nhanh bài cũ, giống như tua một cuộn phim. Càng về sau, lượng bài cộng dồn càng nhiều, và bộ não cũng đã quen việc nên hoạt động nhanh nhạy. Điều này sẽ giúp ibạn nhiều trong việc thể hiện bài thi như cách hệ thống, cách tư duy
Tôi nhớ những ngày cuối cấp hay mơ mộng lắm, đang học mà cứ nghĩ linh tinh. Nhưng lúc đó, tôi phải lắc đầu thật mạnh, rồi nghiêm chỉnh đọc những câu răn đe tự viết (đã dán sẵn ở góc học tập). Tôi từng xem một phóng sự về cô bạn nhỏ ở miền núi Tây Bắc, nhà nghèo, học giỏi. Lâu lắm rồi, mà giờ tớ vẫn nhớ như in: trên cái cây đèn bàn màu xanh cũ kỹ của bạn ấy có dòng chữ (viết bằng bút xóa): “Trời sẽ trả công xứng đáng cho những nỗ lực của bạn”.
Cũng năm đó, ngành thi của tôi lấy 20 điểm. Và tin vui là tôi đậu. Thời gian có thể không nhiều, nhưng nếu ta nỗ lực hết sức mình cộng với một chế độ ăn uống, ngủ nghỉ và phương pháp học hành hợp lý, thành công sẽ mỉm cười với tất cả chúng ta thôi.